0

Là kiểm toán viên nội bộ, tất cả chúng ta đều cố gắng đóng góp nhiều giá trị hữu ích cho tổ chức.  Một số người có thể cho rằng việc đạt được KPI là quan trọng, trong khi những người khác có thể lập luận rằng giá trị thực sự có ý nghĩa mới là quan trọng, cho dù việc đo lường vấn đề này có thể không đơn giản.

 

Nhưng có một điều mà tất cả chúng ta đều có thể nhất trí là các kiểm toán viên đều rất vui khi các phát hiện kiểm toán trọng yếu và các đề xuất cải tiến kèm theo được các đơn vị được kiểm toán chấp nhận và Ủy ban kiểm toán đánh giá cao. Một phát hiện kiểm toán hiệu quả nói lên nhiều điều về kiểm toán viên và quy trình kiểm toán. Nó chứng tỏ rằng kiểm toán viên có kỹ năng chuyên môn tốt và các quy trình và phương pháp kiểm toán là hiệu quả, ít nhất là trong một phạm vi nào đó.  Mặc dù về mặt tâm lý, một phát hiện kiểm toán trọng yếu có thể khiến đơn vị được kiểm toán không cảm thấy thoải mái, nhưng nó chắc chắn mang lại cho kiểm toán viên những cảm xúc tích cực khi biết rằng công việc kiểm toán đã đóng góp giá trị cho tổ chức.

 

Tuy nhiên, điều gì có thể xảy ra nếu kiểm toán viên không tìm thấy bất kỳ phát hiện nào trong một cuộc kiểm toán? Nhiều kiểm toán viên đã trải qua tình huống này tại một số thời điểm trong sự nghiệp của họ, khi mà hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng kiểm toán một quy trình mà không phát hiện một vấn đề gì đơn vị cần cải thiện. Điều này có thể làm cho kiểm toán viên cảm thấy căng thẳng và có thể xuất hiện các câu hỏi trong đầu kiểm toán viên liệu cuộc kiểm toán có được thực hiện hiệu quả hay không.

 

Các kiểm toán nên lưu ý rằng việc không tìm ra phát hiện kiểm toán nào không nhất thiết là dấu hiệu về sự hiệu quả hay chất lượng của một cuộc kiểm toán hoặc một kiểm toán viên.  Mặc dù các phát hiện kiểm toán chắc chắn mang lại lợi ích cho tổ chức, nhưng đó không phải là mục tiêu chính của một cuộc kiểm toán.  Theo Khung Hướng dẫn hành nghề KTNB chuyên nghiệp Quốc tế (IPPF), kiểm toán nội bộ là một hoạt động được thiết kế để gia tăng giá trị và cải thiện hoạt động của một tổ chức.  Để đạt được điều này, các kiểm toán viên phải tiếp cận cuộc kiểm toán một cách “có hệ thống và nguyên tắc”, tuân thủ các chuẩn mực và quy trình đã thiết lập.  Cách tiếp cận này bao gồm việc lập kế hoạch kiểm toán một cách thận trọng, dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về hoạt động kinh doanh, các rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức, đồng thời thực hiện các thủ tục kiểm toán dựa trên kế hoạch kiểm toán linh hoạt để đánh giá sự hiệu quả của các quy trình quản lý rủi ro, kiểm soát và quản trị của tổ chức.

 

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng một cuộc kiểm toán sẽ phải có phát hiện kiểm toán hoặc phải có một phát hiện kiểm toán đặc biệt trọng  yếu.  Một cuộc kiểm toán không có phát hiện kiểm toán nào có thể xảy ra vì một vài lý do.  Thứ nhất, tổ chức có thể có một hệ thống kiểm soát nội bộ đã được thiết kế phù hợp và đang vận hành hiệu quả cho phép tổ chức quản lý các quy trình quản lý rủi ro, kiểm soát và quản trị một cách phù hợp và hiệu quả.  Thứ hai, kiểm toán viên có thể đã bỏ sót một phát hiện nào đó trong quá trình kiểm toán do không tuân thủ các chuẩn mực hoặc quy trình kiểm toán được phê duyệt.  Trong cả hai trường hợp, điều quan trọng là kiểm toán viên phải bám sát mục tiêu và nhớ rằng việc không phát hiện ra bất kỳ vấn đề nào không có nghĩa là cuộc kiểm toán không được thực hiện một cách đúng đắn.

 

Trong trường hợp này, trước khi phát hành báo cáo kiểm toán chính thức, kiểm toán viên nên cân nhắc thực hiện các bước kiểm tra dưới đây để đảm bảo tính toàn diện của một cuộc kiểm toán:

 

  • Rà soát mức độ hiểu biết của nhóm kiểm toán nội bộ đối với hoạt động kinh doanh, các quy trình trong phạm vi kiểm toán và bất kỳ quy trình nào khác có liên quan, các rủi ro và các hoạt động kiểm soát liên quan để đảm bảo rằng cuộc kiểm toán là chi tiết và toàn diện.  Sự hiểu biết hoạt động kinh doanh là vô cùng quan trọng vì toàn bộ công việc kiểm toán được lập kế hoạch và thực hiện đều dựa trên sự hiểu biết của kiểm toán viên về đơn vị được kiểm toán và bất kỳ sự thiếu hiểu biết nào cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc kiểm toán.

  • Kiểm tra lại kế hoạch kiểm toán để đảm bảo rằng tất cả các khu vực rủi ro liên quan đến các quy trình được đánh giá đều được xác định và đánh giá đầy đủ.

  • Xác nhận rằng phương pháp kiểm toán đã được sử dụng phù hợp với mục tiêu kiểm toán và quy mô mẫu hợp lý để đưa ra kết luận phù hợp.

  • Xác nhận rằng tất cả các nguồn dữ liệu là đầy đủ và chính xác và quá trình phân tích đã được thực hiện phù hợp.

  • Xác nhận liệu cuộc kiểm toán đã tuân thủ tất cả các chuẩn mực và quy trình có liên quan hay không.

  • Xem xét trao đổi thêm với đơn vị được kiểm toán để có thể thu thập nhiều thông tin sâu sắc cho cuộc kiểm toán.

  • Rà soát phương pháp luận và cách thức triển khai cuộc kiểm toán để xác định bất kỳ khu vực nào cần cải thiện để gia tăng hiệu suất hoặc hiệu quả của các cuộc kiểm toán trong tương lai.

  • Đảm bảo rằng bằng chứng kiểm toán đã được ghi chép và lưu trữ để đảm bảo rằng cuộc kiểm toán là toàn diện, chính xác và đáng tin cậy.

     

Thêm vào đó, kiểm toán nội bộ cũng có thể tìm ra những cách khác để gia tăng giá trị cho tổ chức chứ không chỉ là xác định các phát hiện kiểm toán.  Điều này cũng có thể giúp đảm bảo rằng công việc của họ được tổ chức nhìn nhận là có giá trị và ý nghĩa. Ví dụ: kiểm toán nội bộ có thể chia sẻ các thông lệ tốt, xác định các cơ hội chưa được khai thác hoặc thực hiện các phân tích kinh doanh để có thể cung cấp cho ban lãnh đạo thêm các thông tin sâu sắc, hữu ích cho các quyết định kinh doanh của họ, báo cáo các vấn đề cần cải thiện và các vấn đề khác.

 

Tác giả: Tahsinur Rahim, CIA, CRMA, Phụ trách Kiểm toán và Tuân thủ tại Công ty Bảo Hiểm Nhân tho Guardian tại Dhaka, Bangladesh

 

Dịch giả: Trần Minh Phương, CRMA, CIA, COSO IC, FCCA, CPA – Chủ tịch UBKT IIA Việt Nam

 

Link gốc: https://internalauditor.theiia.org/en/voices/2023/on-the-frontlines-beyond-the-findings/